SỬ LƯỢC TỈNH GÒ-CÔNG
Ý NGHĨA VÀ ĐIỂN-TÍCH DANH HIỆU GÒ-CÔNG
Từ lâu lãnh thổ Gò-công đã được ghi vào bộ Đại-Nam Quốc-Sử do cụ Phan-Thanh-Giản bình luận, là một xứ « Địa-Linh Nhơn-Kiệt », căn cứ vào địa lý và nhân văn.
Có hai thuyết định nghĩa danh hiệu Gò-công
Thuyết thứ nhứt : Gò-công nguyên xưa kia là đất đai của Cao-miên, khi chúa Hiền (Nguyễn-Phúc-Tần) định cuộc di dân Nam tiến, thì người Việt-Nam mới tràn vào định cư. Lúc bấy giờ Gò-công còn là nơi rừng rậm, chưa có người ở. Đặc biệt tại xứ này có một cái gò cao, nhiều giống chim công ở nên gọi là Gò-công từ đó. Trong sử có ghi chép một đoạn về danh từ các tỉnh như sau : Khi vua Minh-Mạng ra lệnh cho các quan địa-phương đổi tên nôm na các tỉnh thành chữ Nho cho tao nhã thì « Gò-công » biến thành « Khổng-tước-Nguyên », Đồng-nai đổi ra « Lộc-dã », Bến-tre là Trúc-giang, Sóc-trăng được gọi là « Nguyệt-giang » (Sông-trăng), v.v...
Thuyết thứ hai cho rằng : Lần đầu tiên tại xứ này có một người đàn bà tên Thị-Công đến lập quán bán thức ăn cho dân khai thác đồn điền. Lần hồi, vì thấy Gò-công là nơi dễ sinh sống nên dân chúng các nơi tụ họp về khai hoang ruộng rẫy, lập thành làng mạc. Số người ở càng ngày càng đông, do đó dân địa-phương thường quen gọi là quán Bà Công, Gò Bà Công, đến sau lâu ngày trở thành một địa danh vắn tắt là Gò-công tồn tại đến hôm nay.
GÒ-CÔNG TRƯỚC THỜI CẬN ĐẠI
Đây là một vùng đất hoang vu không tên, có rất nhiều rừng rú và cọp hùm, thuộc nước Thủy-Chân-Lạp (Khmer) không dân cư, chỉ có một vài sóc Mền trú ngụ trên các giồng cao.
GÒ-CÔNG DƯỚI THỜI NGUYỄN TRỊNH PHÂN TRANH
Chúa Trịnh ở Bắc hà không quan tâm đến xứ này vì cách rất xa. Chúa Nguyễn ở Nam-hà gần với Thủy-Chân-lạp, thấy dân nước này yếu hèn nên thường mưu tính việc xâm lấn bằng cách tàm thực nghĩa là như tầm ăn dâu, không chinh chiến mà thu phục được đất. Đời Chúa Hiền Nguyễn-Phúc-Tần (1649-1686) mưu việc Nam tiến, Người xuất dân tỉnh Quảng-ngãi và khai-thác nguồn lợi tại Gò-công. Miên sống thưa thớt, có tánh nhút-nhát lại thấy người lạ khác ngôn ngữ và văn-hóa xâm nhập, không đủ sức kháng cự nên lần lần rút lui. Thành thử lâu ngày tràn ngập người Việt trên phần đất này, lập thành làng, thành xã để khai khẩn làm ăn.
Ngược dòng lịch sử, chúng tôi thấy mãnh đất Gò-công mà đồng bào miền Nam Trung-Phần vào định cư khai thác hồi đầu thế kỷ 17, được chánh thức nhập vào bản đồ Việt-Nam từ năm 1755.
Trước đấy, năm 1750, xảy ra sự tranh chấp ngôi báu Cao-Miên. Nặc-Nguyên (Ông Snguôn) từ bên Xiêm về tranh được ngôi và thường đem quân xâm lấn nước ta, còn phía bắc thì thông sứ với Trịnh-Vương để đánh Nguyễn-Vương.
Năm Quí-Dậu (1753), Võ-vương sai Nguyễn-Cư-Trinh làm Tham mưu đốc xuất tướng sĩ ngũ dinh đi đánh Nặc-Nguyên : bốn phủ Tầm-bôn, Lội-lạp, Cầu-nam và Nam-vang xin hàng.
Nặc-Nguyên chạy trốn, đến năm ất-hợi (1755) Nặc-Nguyên chạy ra Hà-tiên nương nhờ, Mạc-Thiên-Tích, xin hiến hai phủ Tầm-bôn và Lội-lạp tức địa phận Gò-công ngày nay để chuộc tội và xin cho về nước. Nguyễn-vương chấp thuận.
COMMENTS